Thay vì bấm nút hay sử dụng phần mềm, người dùng có thể ra lệnh cho Ecovacs T30 Pro bằng cách đá nhẹ vào mặt trước
T30 Pro Omni được Ecovacs xếp vào phân khúc cận cao cấp, thấp hơn dòng X2 Omni Combo cùng ra mắt toàn cầu tại CES 2024 đầu năm. Tuy nhiên, model này có một số điểm mới lạ, không giống bất kỳ sản phẩm nào trước đó của Ecovacs. Bộ máy có thiết kế trạm sạc, giặt giẻ hoàn toàn mới trong khi lực hút của động cơ thậm chí lớn hơn cả “đàn anh” Deebot X2.
Sản phẩm có giá 18,9 triệu, thấp hơn T20 khi mới ra mắt và đắt hơn T20e khoảng 3-4 triệu đồng. Đây là đối thủ trực tiếp của Dreame L20 Ultra hay Roborock S8 Pro Ulra.
Ecovacs lần đầu đưa tính năng điều khiển bằng cách chạm chân lên robot. Ở trạng thái đang ở dock sạc, người dùng chỉ cần đá nhẹ vào cạnh trước, robot sẽ bắt đầu quá trình dọn dẹp. Đây là tính năng nhỏ nhưng khá tiện dụng trong thực tế, giúp ra lệnh rảnh tay và không phải thêm thao tác cúi người bấm nút hay mở điện thoại.
Người dùng cũng có cách khác để điều khiển rảnh tay bằng giọng nói qua trợ lý Yiko. Tuy nhiên, trợ lý ảo của Ecovacs chưa hỗ trợ tiếng Việt và câu lệnh “Ok Yiko” thường bị các thiết bị thông minh Google nhận nhầm do phát âm gần giống “Ok Google”.
T30 Pro là model đầu tiên của Ecovacs sử dụng trạm sạc mới. Máy có hai bình nước sạch và bẩn ngay bên ngoài thay vì đặt trong hộc có nắp đậy như dòng T hay X. Thiết kế này giúp người dùng khi tháo bình nước để thay thế không phải nhấc lên quá cao, phù hợp nếu muốn để gọn dock trong các hộc tủ, góc tường. Với dòng T hay X hiện tại, để nhấc bình nước sạch và bẩn, người dùng phải để không gian trống bên trên khoảng 30-40 cm.
Hai bình nước sạch và bẩn vẫn có dung tích 4 lít như các sản phẩm khác nhưng chiều cao tổng thể trạm sạc còn 49 cm, thấp hơn các model dòng T trước đó khoảng 10 cm.
Túi chứa bụi được đặt bên dưới hộc chứa nước. Dung tích 3 lít giúp lưu trữ rác bẩn 2-3 tháng với điều kiện sinh hoạt bình thường. Túi đựng chính hãng có thêm lớp vỏ kháng khuẩn Tuy nhiên, nắp đậy không có cơ chế bản lề mà tháo rời hoàn toàn khiếc việc thay thế, tháo lắp mất nhiều công đoạn hơn.
Trạm sạc, giặt giẻ của T30 Pro Omni có nhiều tính năng hữu dụng không kém dòng Deebot X2. Khay giặt giẻ bên dưới có thể tháo để vệ sinh tiện dụng thay vì lắp đặt cố định như dòng T20e hay T20. Sau khi dọn dẹp, máy cũng có thể sấy khô giẻ bằng không khí nóng 45 độ C trong 2 hoặc 3 tiếng.
Trên dock có cảm biến độ bẩn của nước giặt giẻ. Nếu phát hiện nước vẫn còn đục, độ bẩn cao, hệ thống sẽ tự tăng thời gian giặt. Tính năng này khá giống cảm biến đo độ bẩn trên dòng máy giặt thông minh mới của Samsung, LG gần đây.
Một ưu điểm khác của T30 Pro Omni là khả năng giặt giẻ bằng nước nóng 75 độ C (Deebot X2 là 65 độ C), giúp làm sạch vết dầu mỡ tốt hơn. Tuy nhiên, máy không có lau bằng nước nóng 55 độ C như “đàn anh”.
T30 Pro Omni có lực hút cao nhất hiện nay là 11.000 Pa, hơn Deebot X2 (8.700 Pa) hay model cao cấp nhất của Roborock MaxV Pro Ultra (10.000 Pa). Tuy nhiên, sản phẩm vẫn giữ kiểu định vị truyền thống là cảm biến LDS xoay trên đỉnh máy thay vì đặt cạnh bên giúp bề mặt trên hoàn toàn phẳng như X2. So với model cao cấp hơn, máy cũng không có camera 3D để xem từ xa hay dùng AI để phân biệt tránh đồ vật.
Mặt dưới của T30 Pro Omni với hệ thống hai giẻ lau xoay áp lực, chổi lau chính cỡ lớn và một chổi phụ ở cạnh bên. Khi không lau hoặc gặp thảm, robot có thể tự động nâng giẻ lên 9 mm để hoạt động xuyên suốt, không phải về “cất giẻ” như đối thủ bên phía Dreame. Trên thân có một hộp chứa nước nhỏ để làm ẩm giẻ trong quá trình lau. Tuy nhiên, model này không có tính năng lau bằng nước nóng.
Robot mới sử dụng công nghệ, cảm biến TrueDetect 3D để tránh đồ vật. Máy ít gặp tình huống “cắn” dây điện, cáp sạc hơn đáng kể so với dòng T20 trước đó. Tuy nhiên, vật thể nhỏ, bít tất, giấy ăn vẫn có thể bị cuốn vào trong. Lực hút mạnh giúp hiệu quả làm sạch của T30 Pro Omni rất tốt. Với tình huống sử dụng hàng ngày, chỉ cần đặt máy ở mức công suất trung bình là đủ để hút bụi, rác nhỏ.
Không có chổi lau cao su hoàn toàn như X2 nhưng chổi cải tiến của T30 Pro Omni cũng hiệu quả, nhất là khi nhà nhiều tóc rụng. Thiết kế mới dạng xoắn hình chữ V và lưỡi nhựa ở hộc hút giúp giữ lại rác bẩn tốt hơn và hạn chế bị cuốn tóc. Trong cùng không gian và khoảng thời gian 3 tuần sử dụng, T30 ít phải vệ sinh chổi lau hơn so với T20e.
Sử dụng lông ở đầu chổi giúp T30 Pro Omni ít gây ồn khi hoạt động. Kiểu chổi cao su của các model cao cấp như X2 hay Roborock S8 MaxV ồn hơn do mặt chổi đập vào sàn nhưng hiệu quả làm sạch bụi bẩn bị dính tốt hơn.
Dreame là hãng đầu tiên đưa tính năng xòe giẻ lau lên robot hút bụi với mẫu L20 Ultra. Ecovacs cũng nhanh chóng áp dụng trên T30 Pro Omni nhưng nâng cấp hơn về hiệu quả sử dụng. Chổi có thể xòe ở mọi góc cong hoặc gấp khúc, tam giác thay vì chỉ cạnh thẳng như đối thủ L20 Ultra. Theo Ecovacs, robot làm được điều này nhờ sử dụng kết hợp cảm biến laser, cảm biến hồng ngoại và cảm biến phát hiện mép để điều khiển tính năng tự động mở rộng chổi lau ra sát mép sàn.
Cùng sử dụng phần mềm Ecovacs Home nhưng giao diện điều khiển T30 Pro Omni khác biệt so với X2 Combo hay T20e. Các cài đặt chế độ lau, hút đa dạng, trực quan hơn với các biểu tượng thay vì dùng nhiều chữ mô tả. Đây cũng là sản phẩm duy nhất có thể tận dụng Dynamic Island trên iPhone để hiển thị trạng thái dọn dẹp trực tiếp.
Người dùng có đầy đủ cài đặt tính năng lau, hút đồng thời hoặc riêng biệt. Chế độ hút có bốn mức công suất, chế độ lau có ba mức độ ướt giẻ. So với ứng dụng của Dreame hay Roborock, phần mềm trên T30 Pro còn cho phép tự khảo sát độ bẩn trong nhà để thực hiện dọn vào khung thời gian nhất định.