Vacuum E5 là lựa chọn thấp cấp nhất trong số bốn mẫu robot hút bụi được Xiaomi giới thiệu đầu năm, bên cạnh E10C, X20 và X20+. Máy không có hệ thống định vị LDS và có giá 2,5 triệu đồng. Một số cửa hàng bán dưới giá niêm yết, khoảng 1,8-1,9 triệu đồng.
Trước đó, Xiaomi từng có một số model không cảm biến LDS để tối ưu về giá, nhưng cũng từ khoảng 5 triệu đồng. Các thương hiệu lớn khác như Dreame, Ecovacs gần đây không còn mặn mà với phân khúc giá rẻ khi chủ yếu giới thiệu model mới tầm giá trên 10 triệu đồng.
Phụ kiện đi kèm E5 đơn giản với dock sạc nhỏ, bộ đổi nguồn, chổi vệ sinh và bộ lau nhà. Chân dock sạc có thêm cảm biến hồng ngoại để robot nhận diện và trở về dock sau khi dọn dẹp.
Với việc loại bỏ LDS (radar định vị), máy không có phần lồi lên phía trên như đa số robot hút bụi khác trên thị trường. Điều này khiến máy sẽ không thể vẽ lại sơ đồ nhà, lập lịch trình theo phòng. Quá trình hút vì thế kém hiệu quả hơn, mất nhiều thời gian để dọn dẹp cùng một căn phòng.
Sản phẩm nhỏ bằng khoảng hai phần ba so với mẫu robot hút bụi kích thước tiêu chuẩn (bên trái). Tuy nhiên thiết kế nhỏ gọn cũng là lợi thế khi dễ luồn lách vào khe, gầm tủ hơn. Chiều cao của robot là 7 cm, thấp hơn đáng kể so với các model có LDS thường từ 9-10 cm.
Mặt dưới có hai chổi cạnh, thay vì chỉ một trên đa số dòng Roborock. Tuy nhiên, máy không có chổi chính ở giữa, chỉ có hộc hút thông thường. Kích thước hộc nhỏ, ngắn về chiều ngang nhằm đảm bảo lực gió mạnh hơn khi hút. Hai bánh xe hai bên tương tự các robot thông thường với kích thước lớn, có rãnh chống trơn trượt.
Điểm yếu lớn nhất của E5 là khả năng dẫn đường do thiếu cảm biến LDS quan trọng. Robot đi kiểu “mò mẫm”, gặp vật cản mới bắt đầu ghi nhận rồi đưa ra lịch trình đi tiếp theo. Để robot hoạt động hiệu quả, người dùng cần dọn đồ đạc gọn, đặc biệt là các loại dây cáp sậc, dây điện. Với vật cản lớn, E5 nhận biết được và giảm tốc khi sắp va chạm nhưng đôi lúc “nhầm lẫn”.
Hai điện cực của robot tiếp xúc với dock cấp nguồn trực tiếp. Người dùng sẽ phải vệ sinh định kỳ chi tiết này để việc sạc ổn định. E5 có lực hút khá tốt là 2.000 PA, tương đương model 6-9 triệu đồng vài năm trước. Mức này đủ để hút đa số bụi rác phổ biến trong nhà. Tuy nhiên, do thiếu chổi quét giữa, các loại bụi bám dính trên sàn nhà khó vệ sinh hơn so với robot tầm trung trở lên.
Ưu điểm của E5 là hộc rác khá lớn, thậm chí nhỉnh hơn một số model tầm giá 4-6 triệu đồng. Máy không có màng lọc HEPA và cần vệ sinh thường xuyên để lưu lượng gió từ động cơ không bị ảnh hưởng. Pin của máy có dung lượng 2.500 mAh, thời gian hoạt động liên tục khoảng 110 phút, đủ cho căn hộ dưới 100 m2.
Hộp đựng nước kiêm đế lau của E5, máy vẫn hoạt động chỉ hút khi không gắn đế lau này. Đây là loại cơ bản nhất với một robot hút bụi lau nhà. Nước bên trong sẽ tự rỉ xuống bên dưới (không có van điều tiết tự động) để làm ướt giẻ lau. Robot sẽ kéo lê giẻ cho tính năng lau nhà. Người dùng sẽ phải vệ sinh giẻ thường xuyên sau mỗi lần hoạt động. Vacuum E5 khi lắp đế lau sẽ bị lồi ra một chút ở phần thân sau. Tất cả đều có khớp bấm tháo lắp khá tiện dụng.
Phần mềm điều khiển từ xa của E5 vẫn có lên lịch trình tự động, chọn lực hút, kiểu đường đi. Tuy nhiên, máy sẽ không cho phép lập, chỉnh sửa bản đồ.
Nguồn : vnexpress.net